Xây dựng Hòa Bình ghi nhận hơn 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ trước đến nay nhưng chủ yếu do hoàn nhập chi phí và thu nhập khác.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có lãi sau thuế khoảng 684,4 tỷ đồng. Mức này cải thiện đáng kể so với khoản thâm hụt lợi nhuận hơn 268 tỷ đồng của quý II/2023. Đây cũng là quý có lãi đậm nhất của HBC từ khi công bố thông tin từ năm 2006.
Lợi nhuận lập kỷ lục nhưng doanh thu kỳ này giảm gần 5% về khoảng 2.160 tỷ đồng. Giá vốn duy trì ở mức cao khiến lợi nhuận gộp của Hòa Bình chỉ gần 100 tỷ, tức sụt gần 4 lần so với cùng kỳ.
Công ty lãi đậm chủ yếu do được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 293 tỷ đồng. Ngoài ra, HBC cũng ghi nhận thêm thu nhập đột biến từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định trị giá gần 503 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình đã có lãi liên tiếp ba quý. Tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 6.
Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty có gần 3.811 tỷ đồng doanh thu và lãi gần 741 tỷ đồng. Doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ và hoàn thành 35% chỉ tiêu cả năm. HBC cải thiện lợi nhuận rất tốt so với khoản lỗ 713 tỷ của cùng kỳ và đã vượt 1,7 lần so với kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Mức lợi nhuận bán niên này đang cao hơn tất cả khoản lãi cả năm trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, trừ năm 2017.
Trong nửa đầu năm, công ty đã cắt gần 1.100 tỷ nợ phải trả, kéo chỉ tiêu này về gần 14.065 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này vẫn gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp chủ yếu giảm nợ phải trả người bán ngắn hạn, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn và vay nợ tài chính dài hạn. HBC còn tổng cộng khoảng 4.485 tỷ đồng vay nợ tài chính. Họ mất hơn 130 tỷ để trả lãi vay trong quý II.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị – từng tuyên bố doanh nghiệp đã vượt qua tình thế bĩ cực, “ngàn cân treo sợi tóc”. Thời gian tới, công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi.
Năm nay, Hòa Bình sẽ tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%. Song song đó, họ sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài đến năm 2028 gồm Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi. Trong đó, châu Phi tiềm năng nhất, có lực lượng lao động còn dồi dào và giá thành của HBC đang cạnh tranh so với nhiều nhà thầu hiện tại.
Công ty cũng ráo riết thu hồi các khoản nợ khó đòi. Tính đến cuối tháng 6, Hòa Bình không còn nợ xấu trong khi cùng kỳ ghi nhận khoảng 3.265 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp được hoàn nhập khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Vấn đề hoàn nhập dự phòng nợ xấu từng là nguyên nhân khiến công ty lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2023. Thời điểm đó, công ty kiểm toán chưa thu thập đủ các thư xác nhận các khoản phải thu và Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.
Nguồn: coppy